Trong thời đại thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh chóng như hiện nay, việc mua sắm online đã trở nên vô cùng dễ dàng và thuận tiện. Chỉ cần chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh là ta có thể tự do mua sắm từ các website chuyên dụng đến sàn như Amazon, Etsy, Walmart, Shopify…hay thậm chí các kênh social như Tiktok, Facebook và Instagram,… người mua hàng có thể tìm thấy mọi thứ hợp với nhu cầu của mình, với mức giá phải chăng và nhiều khuyến mãi hấp dẫn.
Giữa muôn vàn hình thức kinh doanh trên thị trường TMĐT, Dropshipping đang nổi lên như một xu hướng mới được nhiều người quan tâm. Nhờ vào khả năng giảm thiểu chi phí và cung cấp sản phẩm với giá bán cạnh tranh, mô hình này giúp người bán cung cấp sản phẩm nhanh chóng, linh hoạt và phục vụ khách hàng tốt hơn.
Chính vì quá thuận tiện, cắt giảm nhiều khâu vận hành và giảm bớt chi phí nên hình thức kinh doanh này đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhiều người. Hãy cùng SHN Express tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
Dropshipping là gì?
Dropshipping thực chất là một cách làm kinh doanh online (hoặc nhiều người hay gọi là MMO – Make Money Online), nơi mà bạn không cần lo việc nhập hàng hay tích trữ kho. Khi bán được một mặt hàng gì đó, bạn chuyển đơn hàng này đến xưởng/nhà cung cấp có sản phẩm này, từ đây họ sẽ lo toàn bộ từ đóng gói đến giao hàng tận tay cho khách hàng.
Với nhiều người họ thích cách làm Dropship hơn cả vì chỉ cần tập trung vào việc quản lý cửa hàng, marketing, và chăm sóc khách hàng. Chân lý đơn giản là: bán giá cao hơn nhà cung cấp để có lãi. Điều hay nhất ở hình thức này là bạn không cần lo sản xuất, cũng không phải đầu tư kho bãi gì cả.
Lợi nhuận mà bạn kiếm được chính là khoản chênh lệch giữa giá bán cho khách hàng và giá nhập từ nhà cung cấp, sau khi trừ đi chi phí vận chuyển. Người thực hiện công việc này được gọi là Dropshipper.
Quy trình Dropshipping hoạt động thế nào?
Như đã nói sơ ở trên, Dropship cũng giống như việc “mua rẻ bán đắt”. Bạn lấy sản phẩm từ nhà cung cấp với giá thấp và bán lại với giá cao hơn, phần chênh lệch là lợi nhuận của bạn. Ví dụ, một khách mua ốp lưng điện thoại trên website của bạn với giá 300.000đ. Bạn tìm được từ nhà cung cấp giá 200.000đ. Nhà cung cấp giao hàng cho khách, và bạn thu về 100.000đ tiền lợi nhuận.
Toàn bộ quá trình diễn ra hoàn toàn đóng kín, khách hàng sẽ không nhận ra bất kỳ khâu trung gian nào. Họ chỉ biết bạn là người duy nhất mang đến sản phẩm, tạo ấn tượng chắc chắn và chuyên nghiệp trong lòng khách hàng. Điều này giúp Dropship không chỉ là một mô hình kinh doanh, mà còn là câu chuyện tạo dựng thương hiệu của bạn. Đây chính là điểm mạnh khiến Dropshipping trở nên hấp dẫn.
Hình thức Dropshipping là một lựa chọn phù hợp với những ai muốn tập làm quen kinh doanh online nhanh chóng, rủi ro thấp và dễ bắt đầu. Bạn không cần nhiều kinh nghiệm hay vốn lớn mà vẫn có thể xây dựng cửa hàng online riêng của mình.
Ưu nhược điểm của hình thức kinh doanh Dropship
Như vậy là chắc các bạn đã nắm sơ về cách thức và quy trình hoạt động của Dropshipping rồi nhỉ. Tuy nhiên cụ thể chúng ta cần hiểu thêm về ưu nhược điểm để nắm kỹ hơn nhé!
Ưu điểm
1. Chi phí ban đầu thấp:
Khác với kinh doanh truyền thống, Dropship giúp bạn tiết kiệm đáng kể chi phí ban đầu. Bạn không cần mở kho, mua sẵn hàng hóa, hay thêm chi phí nhân sự. Ngay cả khi bạn mở rộng quy mô, chi phí vẫn thấp hơn rất nhiều so với cách kinh doanh truyền thống.
2. Dễ dàng bắt đầu:
Chỉ cần một trang website hoặc tài khoản trên các nền tảng bán hàng, bạn đã có thể khởi nghiệp ngay. Quy trình không phức tạp và phù hợp với người mới tìm hiểu như dân văn phòng, sinh viên, newbie,…. Tuy nhiên tiêu chí quan trọng là tốc độ web càng nhanh càng tốt, và tối ưu trải nghiệm khách hàng ( đủ yếu tố niềm tin: trang chủ, các trang thành phần About us, chính sách giao hàng, trả hàng…)
3. Linh hoạt và tiết kiệm thời gian:
Bạn có thể kinh doanh tại nhà hoặc bất kỳ đâu có kết nối internet. Nhà cung cấp lo việc giao hàng, giúp bạn tập trung hơn vào việc phát triển kinh doanh.
4. Tránh rủi ro tồn kho:
Với Dropshipping, bạn không phải lo nhập hàng nhiều mà bán không được. Tất cả được nhà cung cấp quản lý, giúp bạn tận dụng nguồn hàng linh hoạt.
5. Thanh toán linh hoạt:
Lợi nhuận sẽ được tính ngay sau khi đơn hàng hoàn tất. Bạn không phải đợi qua các khâu xét duyệt của bên thứ ba. Tuy nhiên bạn nên tìm hiểu các kênh thanh toán, Nếu test ra sản phẩm tốt rồi thì phải quản lý dòng tiền để mở rộng.
Đối với những tài khoản mới thì paypal mất 21 ngày để tiền về, Stripe và Shopifypayment thì cần có LLC Mỹ hoặc đăng ký mở công ty ở Anh, Mỹ để có thể mở được, Stripe thường là mới thì mất 7-12 ngày tiền về…
6. Dễ dàng kiểm tra thị trường:
Dropshipping giúp bạn kiểm tra ý tưởng kinh doanh hoặc sản phẩm mới một cách dễ dàng mà không cần đầu tư nhiều. Bạn có thể thử nghiệm nhiều loại sản phẩm trên các nhóm khách hàng khác nhau để tìm ra sản phẩm tiềm năng nhất mà không lo tốn kém chi phí hàng tồn.
Tuy nhiên test thị trường cũng tốn chi phí quảng cáo nên bạn cần phải thực sự nghiêm túc, phân tích tỷ lệ và dự đoán sản phẩm có win được hay không. Nếu chỉ test mà không có sự nghiên cứu thì tỉ lệ thành công rất thấp.
7. Mở rộng thị trường nhanh chóng:
Với Dropshipping, bạn có thể bán hàng trên nhiều thị trường khác nhau, từ trong nước đến quốc tế, mà không cần lo về chi phí vận chuyển hoặc logistics phức tạp.Giúp bạn tăng cơ hội tiếp cận khách hàng mới.
8. Đa dạng hóa sản phẩm dễ dàng:
Vì bạn không phải nhập hàng trước, bạn có thể thêm hoặc bớt danh mục sản phẩm một cách linh hoạt theo nhu cầu thị trường, giúp cho các kênh bán của bạn luôn phù hợp với xu hướng.
9. Chăm sóc khách hàng và giao hàng:
Nhiều bạn nghĩ phần này mất nhiều thời gian lắm nhưng ko phải, đây là 1 lợi thế của Dropship. 1 nhân sự hoàn toàn có thể care vài trăm đơn 1 ngày vì khách đã mua hàng qua web rồi, đâu cần tư vấn, chăm sóc chỉ cần nhắn tin xử lý các case phát sinh như hàng hoàn, lỗi, refund, hoặc khách kiện Paypal mà thôi. Và làm rồi thì thường có mẫu gửi khách. Nên thậm chí mình bạn care luôn cũng được.
10. Tận dụng nguồn lực của nhà cung cấp:
Nhà cung cấp là người chịu trách nhiệm vận chuyển, đóng gói, và đôi khi là dịch vụ hậu mãi. Giúp bạn giảm thiểu công việc vận hành và tập trung vào xây dựng thương hiệu hoặc chăm sóc khách hàng.
Nhược điểm
1. Cạnh tranh rất lớn:
Dropshipping đã trở nên phổ biến, dẫn đến mức độ cạnh tranh ngày càng cao. Để thành công, bạn cần tập trung xây dựng chiến lược kinh doanh độc đáo và tìm kiếm sản phẩm khác biệt.
2. Khó quản lý chất lượng sản phẩm:
Vì bạn không trực tiếp xử lý sản phẩm, không cầm nắm trên tay nên sẽ khó kiểm soát được chất lượng hàng hóa khi đến tay khách hàng. Điều này đòi hỏi bạn phải chọn nhà cung cấp uy tín và có quy trình kiểm soát nghiêm ngặt.
3. Lựa chọn nguồn hàng phù hợp:
Tìm được nhà cung cấp tốt và sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường không phải lúc nào cũng dễ dàng. Điều này cần bạn phải đầu tư thời gian nghiên cứu thị trường và khách hàng mục tiêu.
4. Yêu cầu kiến thức kỹ thuật:
Nếu muốn tự lập website bán hàng, bạn cần phải học thêm về thiết kế website (có thể thuê dịch vụ), cách sử dụng web, mua hosting, mua domain,… và các công cụ quản lý. Nếu sử dụng các nền tảng lớn như Amazon, eBay, bạn cần biết cách quản lý tài khoản để tránh bị Suspended.
5. Chiến lược marketing phức tạp:
Để tăng doanh số, bạn phải biết cách đăng ký, sử dụng và thúc đẩy người dùng vào các kênh marketing online như chạy quảng cáo (pay traffic), làm SEO website, và các mạng xã hội. Điều này có thể đòi hỏi ngân sách và kỹ năng quản lý chiến dịch phải tốt.
6. Giải quyết các vấn đề phát sinh:
Các tình huống như gặp khách hàng khó tính, chọn nhầm nhà cung cấp không uy tín, hoặc tài khoản bán hàng bị khóa đều có thể xảy ra. Bạn cần có kỹ năng xử lý vấn đề và sẵn sàng tìm giải pháp nhanh chóng.
Mô hình Dropship hiện đại
Thực ra nếu quy trình xử lý từ lúc nhận yêu cầu của khách rồi chuyển qua xưởng, và từ xưởng ship đến tay khách hàng là 14-20 ngày thì quá lâu, đem lại trải nghiệm không thực sự tốt cho khách, hơn nữa muốn mở rộng mô hình rất khó.
Bởi vậy từ đó mô hình dropship có tồn kho ra đời nhằm khắc phục 2 yếu tố này. Bạn sẽ chủ động hơn, cụ thể:
- Tìm được sản phẩm tốt, bạn đặt hàng số lượng lớn từ nhà cung cấp và họ sẽ gửi qua kho hàng bạn thuê tại Mỹ.
- Khách hàng đặt mua sản phẩm từ các kênh của bạn (website/social/…) và tiến hành thanh toán cho bạn.
- Kho hàng (warehouse) – kho bạn thuê ở Mỹ sẽ ship hàng đến nhà khách hàng thay cho bạn trong vòng 3-5 ngày.
Có 2 điểm khác biệt duy nhất giữa mô hình Dropship hiện đại và truyền thống là giảm thời gian giao hàng xuống rất nhiều nhưng có nguy cơ về rủi ro tồn kho. Tuy nhiên theo nhiều người có kinh nghiệm “lão làng” thì họ vẫn lựa chọn bởi:
- Chủ động được nhu cầu mua đột biến của khách hàng vì có sẵn hàng tại kho ở Mỹ.
- Trải nghiệm khách hàng tốt nhất vì giao hàng rất nhanh, chỉ từ 3-5 ngày.
- Có được giá tốt từ xưởng sản phẩm vì nhập nhiều sản phẩm.
Thành thật mà nói các bạn nên bắt đầu với ít nhất tầm khoảng 1500-2000 usd, tức là 40-50 triệu. Ít hơn thì vẫn có thể làm nhưng càng ít càng khó làm vì có những thứ bạn cần học thêm (SEO web hoặc chạy quảng cáo), đặt hàng, ship hàng qua Mỹ,… Gặp sản phẩm tốt ngay từ đầu thì vài trăm đô bạn đã có thể ra đơn và gối doanh thu.
Những lưu ý khi có ý định làm Dropship
- Nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng: Hiểu rõ nhu cầu và xu hướng thị trường.
- Lựa chọn sản phẩm chất lượng: Chọn sản phẩm có tiềm năng và chất lượng tốt.
- Chiến lược marketing hiệu quả: Sử dụng quảng cáo và SEO hiệu quả để tiếp cận khách hàng.
- Dịch vụ khách hàng tốt: Hỗ trợ khách hàng kịp thời và chuyên nghiệp.
- Quản lý chi phí hiệu quả: Tối ưu hóa chi phí vận hành và quảng cáo.
- Liên tục học hỏi và điều chỉnh: Thường xuyên cập nhật kiến thức và thay đổi chiến lược theo tình hình thị trường.
Tạm kết
Ship Hàng Nhanh Express có tìm được một vài kinh nghiệm cho bạn đó là: Đủ tài chính + website + cổng thanh toán là có thể bắt đầu kinh doanh theo mô hình Dropship rồi. Nhưng quan trọng bạn nên dành thời gian tìm hiểu thật kỹ, có kế hoạch cụ thể, học thêm các khoá học SEO, hoặc chạy quảng cáo sao cho tối ưu và đem lại hiệu quả tốt nhất, từ đó bạn sẽ tự tin hơn khi bắt tay vào làm nhé!